Trĩ là bệnh lý có tỷ lệ mắc rất cao, tuy không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống. Tiêm xơ búi trĩ là biện pháp đưa chất gây xơ vào gốc búi trĩ nhằm điều trị bệnh, hạn chế được nguy cơ phải phẫu thuật.
1. Tiêm xơ búi trĩ bằng nội soi hậu môn ống cứng là gì?
Tiêm xơ búi trĩ là phương pháp tiêm một chất gây xơ vào gốc búi trĩ nhằm để điều trị trĩ nội bằng việc sử dụng nội soi hậu môn ống cứng. Sau khi tiêm xơ thì búi trĩ bị xơ cứng không còn máu nuôi dưỡng nên không chảy máu và co nhỏ lại không gây hiện tượng sa búi trĩ.
Trĩ là bệnh lý có tỷ lệ mắc bệnh cao, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh với biểu hiện chính là đi ngoài ra máu và sa búi trĩ. Đa số bệnh nhân đều ngại đến khám sớm, do đó khi tới khám đã nặng và thường có nguy cơ thiếu máu. Hiện nay chích xơ hay tiêm xơ là phương pháp khá đơn giản, chi phí thấp, tương đối an toàn, ít biến chứng và tỷ lệ tái phát không cao.
Tuy nhiên để đạt được hiệu quả mong muốn khi thực hiện tiêm xơ thông thường người bệnh cần tiến hành nhiều lần tiêm xơ theo lịch và để giảm thiểu nguy cơ tái phát. Bên cạnh đó bệnh nhân cũng cần phải thực hiện chế độ chăm sóc, ăn uống và sinh hoạt hợp lý sau khi thực hiện tiêm xơ búi trĩ.
2. Chỉ định và chống chỉ định phương pháp hậu môn ống cứng can thiệp tiêm xơ búi trĩ
Chỉ định được áp dụng trong những trường hợp nhẹ như trĩ nội độ 1, độ 2, và độ 3 nhỏ.
Chống chỉ định cho những trường hợp: Trĩ nội độ 3 to và trĩ nội độ 4, trĩ hỗn hợp, trĩ ngoại, huyết khối tĩnh mạch trĩ.Viêm nhiễm tại hậu môn chưa được điều trị ổn định.Bệnh rối loạn đông máu nặng hay chưa ổn định, bệnh toàn thân giai đoạn cấp, sức khỏe quá yếu, bệnh suy giảm miễn dịch HIV.
Nội soi hậu môn ống cứng can thiệp tiêm xơ búi trĩ chỉ định trĩ đối với nội độ 1, độ 2, và độ 3 nhỏ
3. Quy trình thực hiện nội soi hậu môn ống cứng can thiệp tiêm xơ búi trĩ
3.1 Chuẩn bị
Người thực hiện: Bác sĩ phẫu thuật và điều dưỡng hỗ trợ.Phương tiện: Dụng cụ gồm ống nội soi hậu môn cứng, nguồn sáng tốt nhằm dễ quan sát vị trí gốc búi trĩ, kim tiêm, thuốc sát khuẩn, các thuốc và vật dụng cần cho vô cảm.Thuốc gây xơ Polidocanol.Người bệnh: Giải thích kỹ phương thức cũng như những tai biến có thể xảy ra để người bệnh hiểu và cộng tác, thụt tháo phân, đi tiểu trước khi làm thủ thuật. Xét nghiệm trước phẫu thuật để đánh giá nguy cơ hay loại trừ những trường hợp có chống chỉ định.
3.2 Các bước tiến hành
Bước 1: Người bệnh nằm nghiêng trái co gối hoặc nằm sấp quỳ gối, trước khi thực hiện bác sĩ cần tiến hành thăm khám vùng hậu môn, soi hậu môn để xác định lại chẩn đoán, dùng ống nội soi cứng đưa vào hậu môn để xác định và chọn vị trí các búi trĩ sẽ tiêm thuốc.
Bước 2: Lau sạch ống hậu môn, bôi thuốc sát khuẩn như Betadine, banh hậu môn tìm đúng vị trí tiến hành tiêm thuốc gây xơ vào gốc búi trĩ vùng dưới niêm mạc, mỗi búi từ 1, 2, hay 3 ml tùy kích thước búi trĩ. Rút kim ra, nếu xuất hiện chảy máu ở lỗ đâm kim thì ấn chặt một miếng bông. Chú ý tiêm trên đường lược ít nhất 5mm.
Bước 3: Nếu người bệnh không đau thì tiến hành tiếp tục điều trị búi trĩ khác đã lựa chọn. Không tiêm quá 3 búi trĩ trong một lần điều trị và tránh tiêm ở vị trí 12 giờ.
Người bệnh cần tiêm nhiều lần để điều trị hết búi trĩ, các lần tiêm cách nhau 1- 2 tuần nếu tình trạng bệnh nhân ổn định và không có biến chứng.
3.3 Theo dõi bệnh nhân
Trước, trong và sau khi làm thủ thuật cần theo dõi sát các chỉ số sinh tồn mạch, nhiệt độ, huyết áp. Phát hiện sớm những biến chứng có thể xảy ra khi dùng thuốc gây xơ.Sau khi làm, người bệnh nghỉ ngơi 15 phút nếu tình trạng ổn định, không có dấu hiệu bất thường có thể cho về nhà theo dõi.Người bệnh có thể được chỉ định một số loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc nhuận tràng, nếu đau quá gây mất ngủ có thể dùng thuốc an thần.Chăm sóc sau tiêm xơ: ngâm hậu môn bằng nước ấm sạch khoảng 2 lần mỗi ngày trong 7 ngày. Chú ý những dấu hiệu bất thường có nguy cơ gây nhiễm khuẩn tại hậu môn như đau sưng nóng nhiều không giảm.
Sau khi nội soi hậu môn ống cứng can thiệp tiêm xơ búi trĩ người bệnh có thể bị choáng
3.4 Tai biến và cách xử trí
Sốc phản vệ: thuốc gây xơ có thể gây ra tình trạng phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng hay gọi sốc phản vệ. Những biểu hiện bao gồm: mạch nhanh, huyết áp tụt, khó thở… Đây là tai biến nguy hiểm, cần phát hiện sớm và xử lý kịp thời, nếu không sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.Choáng: có thể do bị chảy máu hay quá lo lắng. Cho người bệnh nằm nghỉ, theo dõi mạch, huyết áp, cầm máu nếu chảy máu.Tiêm không đúng khoang dưới niêm mạc, sai vị trí: tiêm quá sâu dưới lớp cơ, người bệnh sẽ bị đau nhiều, sau khi rút bớt kim đỡ đau. Tiêm quá nông quá, niêm mạc trắng bệch, thuốc bị trào ra ngoài, không có tác dụng gây xơ.Chảy máu tại chỗ tiêm: ấn chặt miếng bông, ép gạc, dùng thuốc cầm máu nếu cần.Đau do tiêm thấp dưới đường lược hoặc tiêm quá sâu: cho người bệnh sử dụng thuốc giảm đau.Áp xe hay nứt kẽ hậu môn: chích rạch và cho dùng kháng sinh khi có tình trạng áp xe hậu môn.Nhiễm khuẩn nặng: biểu hiện sốt cao, đau nhiều, bí tiểu, vùng hậu môn sưng nóng đỏ… Người bệnh nên vào viện điều trị bằng kháng sinh đường tiêm phổ rộng.
Nội soi hậu môn ống cứng can thiệp tiêm xơ búi trĩ được thực hiện nhằm hạn chế những tai biến do sai vị trí, do phương pháp nhìn bằng mắt thường trước đấy. Với ưu điểm là hạn chế được tai biến, thực hiện đơn giản không cần nằm viện, chi phí hợp lý và hiệu quả nên được ưa chuộng sử dụng trong những trường hợp trĩ nội nhẹ. Việc điều trị giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh hạn chế nguy cơ biến chứng do bệnh trĩ gây ra.
Thông tin cần tư vấn liên hệ 0978342324 hoặc truy cập thuockedon24h.com để được hỗ trợ.