Viêm manh tràng là bệnh lý khá thường gặp, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như thủng ruột. Việc chẩn đoán viêm manh tràng đúng cách sẽ giúp điều trị kịp thời và hiệu quả, giảm nguy cơ biến chứng cho bệnh nhân.
1. Khái quát về bệnh viêm manh tràng
1.1 Viêm manh tràng là gì?
Đại tràng được cấu thành từ 4 đoạn chính gồm đại tràng lên (bên phải), đại tràng ngang, đại tràng xuống (bên trái) và đại tràng xích ma. Manh tràng là phần đầu của đại tràng lên (bên phải) tới chỗ đổ của hồi tràng vào manh tràng – còn được gọi là van hồi – manh tràng (van Bauhin), nằm ở vị trí ngã ba của ruột non và ruột già. Manh tràng có chiều dài khoảng 6cm, có thể giãn rộng với đường kính >7cm, nối liền với hồi tràng của ruột non.
Bộ phận này có chức năng ngăn chặn các chất có trong ruột già vào ruột non bị trào ngược (và ngược lại), hấp thụ nước, tạm giữ thức ăn và đào thải các chất có hại (gồm muối kim loại nặng, muối mật thừa từ gan, thủy ngân),… các vi sinh vật có trong manh tràng có thể biến đổi các chất đơn giản trong đại tràng thành những dưỡng chất thiết yếu với cơ thể như vitamin K, vitamin B,….
Theo thời gian, chức năng của manh tràng sẽ suy yếu dần và dễ bị vi khuẩn tấn công, xuất hiện các ổ viêm loét, túi thừa ở thành manh tràng, u, … . Có thể thấy tình trạng tổn thương hoặc viêm ở niêm mạc manh tràng. Cũng có trường hợp bị viêm túi thừa manh tràng. Túi thừa là một cấu trúc bóng phình, nhô ra ở thành manh tràng. Viêm túi thừa manh tràng xảy ra khi có tình trạng nhiễm khuẩn ở một hoặc nhiều túi thừa của ống tiêu hóa. Mức độ ở từng người sẽ khác nhau tùy vào tình trạng sức khỏe.
Viêm manh tràng là một bệnh lý hết sức nguy hiểm, nếu để kéo dài có thể dẫn tới thiếu máu, suy giảm trí nhớ, trầm cảm. Thậm chí, bệnh nhân có thể phải đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm như tắc ruột, thủng ruột hoặc ung thư đại tràng.
1.2 Nguyên nhân và triệu chứng
Về nguyên nhân, theo các chuyên gia bệnh viêm manh tràng có thể đến từ một số yếu tố sau: Chế độ dinh dưỡng không hợp lý do vi khuẩn có hại tồn tại ở ruột non và ruột già như Bacteroides fragilis, Escherichia coli, Enterobacter aerogenes,…Do di truyền nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở người bị viêm đại tràng.
Một số loại vi khuẩn ruột có thể gây bệnh viêm manh tràng
Về triệu chứng, dấu hiệu của bệnh khá mơ hồ và có nhiều nét tương đồng với các bệnh lý khác ở đường tiêu hóa. Vì thế, việc chẩn đoán bệnh tương đối khó khăn. Một số triệu chứng gồm:
Giai đoạn viêm manh tràng cấp tính: Sốt cao (có thể lên tới 40°C), đau bụng ở vùng chậu phải. Đau bụng tăng sau khi ăn và khi đi vệ sinh xong thì cơn đau giảm xuống. Người bệnh có thể buồn nôn và khó chịu. Tiêu chảy, trong phân lẫn máu. Chán ăn, ăn không ngon, khó tiêu. Đổ mồ hôi nhiều về đêm.Giai đoạn viêm manh tràng mạn tính: Bệnh đã chuyển biến nặng, các triệu chứng rõ rệt và xuất hiện với cường độ dày hơn. Nếu người bệnh điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc dùng thuốc giảm đau thì các triệu chứng có thể giảm đi. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian bệnh sẽ tái phát trở lại.
2. Các kỹ thuật y tế chẩn đoán bệnh viêm manh tràng
Vì các triệu chứng viêm manh tràng rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý tiêu hóa khác (VD viêm ruột thừa (là bệnh ngoại khoa), u đại tràng phải, u manh tràng ….) nên người bệnh cần đến bác sĩ thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cần thiết nhằm đưa ra kết luận chẩn đoán bệnh chính xác. Các kỹ thuật y tế thường được sử dụng gồm:
Tìm máu ẩn hoặc ký sinh trùng trong phân: Là kỹ thuật đơn giản, chi phí thấp. Bệnh nhân sẽ được lấy mẫu phân, đưa đi xét nghiệm. Tùy loại máu trong phân hay hem (nhân hem của tế bào máu) sẽ được kiểm tra và đánh giá xem đoạn ruột nào có khả năng mắc bệnh. Bên cạnh đó, các loại ký sinh trùng trong phân cũng là dấu hiệu gợi ý bệnh lý đi kèm. Cụ thể, chủng vi khuẩn thương hàn là chủng hay gặp nhất gây viêm manh tràng.Nội soi đại tràng: Là phương pháp tiên tiến hơn, đòi hỏi bác sĩ chẩn đoán hình ảnh cần có kinh nghiệm và tay nghề cao. Khi thực hiện, một thiết bị nội soi có gắn camera sẽ được đưa vào đại tràng qua đường hậu môn. Máy sẽ được đưa tới vùng đại tràng lên, manh tràng và phục vụ việc quan sát hình ảnh trong ruột. Tuy nhiên, vì manh tràng nếu bị viêm sẽ rất mỏng nên người thực hiện thủ thuật cần có kinh nghiệm để không gây tai biến thủng manh tràng.Chụp X-quang khung đại tràng: Bệnh nhân được yêu cầu nhịn ăn và xổ ruột. Sau đó, bác sĩ bơm từ từ chất cản quang tan trong nước vào đường hậu môn rồi tiến hành chụp X-quang. Kỹ thuật này có hạn chế là tốn thời gian để chuẩn bị bệnh nhân, xổ ruột cũng có thể gây nguy cơ tai biến khi bệnh nhân rặn quá mức hoặc thuốc xổ góp phần làm thủng ruột. Vì vậy, ngày nay ít sử dụng phương pháp này.Siêu âm ổ bụng: Là phương pháp chẩn đoán viêm manh tràng đơn giản nhưng cần bác sĩ thực hiện có tay nghề cao. Người bệnh thường có nhiều hơi ứ đọng trong toàn bộ khung đại tràng, bụng chướng lên do chướng hơi nên sẽ khó khăn để siêu âm chính xác. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đánh giá gián tiếp qua bờm mỡ của manh tràng. Ở người bệnh viêm manh tràng, bờm mỡ xung quanh thường phù nề, sưng viêm gián tiếp;Chụp CLVT và MRI ổ bụng: Là 2 phương pháp khá nhẹ nhàng với người bệnh nhưng đòi hỏi máy móc kỹ thuật cao để chụp khảo sát rõ phần manh tràng. Phim chụp thu được có thể đánh giá được độ giãn của manh tràng, độ loét và thậm chí là vị trí thủng manh tràng nếu có. Tuy nhiên, 2 kỹ thuật này có chi phí thực hiện khá cao và đôi khi người bệnh có thể bị dị ứng với chất cản quang khi chụp CLVT hoặc dị ứng thuốc đối quang từ khi chụp MRI.
Siêu âm ổ bụng giúp bác sĩ chẩn đoán viêm manh tràng
Viêm manh tràng là bệnh lý thường gặp nhưng khó chẩn đoán, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác ở đường tiêu hóa. Vì vậy, khi có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ, bệnh nhân nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán sớm để điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng.
Thông tin cần tư vấn liên hệ 0978342324 hoặc truy cập thuockedon24h.com để được hỗ trợ.